Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Bún mắm cua Gia Lai - Đặc sản phố núi

Thứ Hai, ngày 04/02/2013 17:00 PM (GMT+7)
Chị bạn bảo: Đã đến Gia Lai nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới được.

ẨM THỰC 24H chia sẻ công thức Nấu ăn ngon, thực đơn Món ngon mỗi ngày đơn giản, ngon miệng.
Khám phá Ẩm thực Việt Nam 3 miền, địa chỉ quán ăn ngon trên cả nước.


Chị bạn tôi đang làm việc tại TP.HCM, mỗi khi được ai đó nhờ giới thiệu về mảnh đất Gia Lai chị đều kể với một trạng thái khá hào hứng, liệt kê từ văn hóa, con người đến các danh lam thắng cảnh.

Đặc biệt đến cuối câu chuyện lúc nào chị cũng kèm lời “ghi chú” cùng một nụ cười khá bí hiểm: Đã đến quê mình nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới gọi là đến Gia Lai.

Tên món ăn này khiến tôi rất tò mò. Nó có... thối thật không, cách chế biến ra sao, vị của nó như thế nào? Những câu hỏi ấy chỉ được trả lời khi tôi đặt chân đến TP.Pleiku (Gia Lai), thưởng thức một trong những đặc sản phố núi này và quả thật nó khó ăn cực kỳ.

Sau này chị bạn và một số người bản địa thừa nhận khi ăn đũa bún đầu tiên ai cũng có cảm giác là lạ như thế. Mùi nồng gắt và vị mặn có phần hơi chát là “chướng ngại vật” lớn nhất cho thực khách lần đầu tiếp xúc món này. Cũng có nhiều người không quen nổi, đành “cao chạy xa bay”. “Nhưng ai đã ăn đến lần thứ ba thứ tư hay quen rồi là thích ngay, sau đó mê, ghiền đến mức ngày nào cũng phải ăn vì nó đậm đà, thơm ngon”, chị bạn chia sẻ.
Bún mắm cua Gia Lai - Đặc sản phố núi - 1
Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Ảnh: Minh Úc
Nhiều người lớn tuổi ở Pleiku cho biết, món ăn này được du nhập từ những người Bình Định di cư lên đây. Các cụ bảo vị đặc trưng của nó một phần do dân biển vốn ăn cay, mặn, một phần để chống lại cái lạnh khi lên phố núi. Còn cua phải ủ cho đến khi lên mùi hơi khó ngửi, nên nhiều người gọi vui là thối để phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác chứ thật ra đó là mùi lên men chua.

Trình tự nấu món bún mắm cua như sau: cua đồng sau khi rửa sạch, bóc bỏ mai, lấy phần thịt giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Ủ nước này khoảng một ngày một đêm, cho đến khi ngồi ở đâu trong nhà cũng ngửi thấy mùi thì đem chế biến. Thịt ba chỉ đã xào săn lại từ trước cho vào nước cua, gia vị đầy đủ đến khi nước sôi thì cho thêm măng đã thái mỏng. Để lửa vừa, đun càng lâu thì măng càng thấm, mắm càng ngon.

Khi cho ra tô, rưới lên lớp bún là nước mắm cua, măng và cả thịt ba chỉ. Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Sau mùi rất đặc trưng sẽ là vị tê tê ở đầu lưỡi vì vị mặn của mắm và măng, cay của ớt, giòn của bánh. Một ít chanh sẽ làm vị nhã đi, nhưng phải quen thì mới cảm nhận được cái “chất”, vị đậm đà của món ăn. Chị bạn còn mách tôi, ăn xong bún mắm thối uống một ly sinh tố cà rốt thì quá đã!

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Đầu niên vụ cà phê năm nay, nông dân tỉnh Gia Lai lo lắng về chuyện nước tưới khi nghe dự báo… thời tiết sẽ hạn hán nặng. Chuyện này đã không thành hiện thực vì năm nay mưa nhiều. Tuy nhiên, khi đã vượt qua trót lọt 2/3 chặng đường của mùa vụ, sắp đến ngày hái quả thì nhiều người ở huyện Đak Đoa lại mất ăn mất ngủ… vì ve sầu.


ca-phe-dakdoa


Ông Bình-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang dẫn chúng tôi đi thực địa rẫy cà phê bị nạn ve sầu.

 Vài tháng nay, hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê tại xã Nam Yang, Tân Bình… huyện Đak Đoa luôn trong tâm trạng như ngồi trên đống lửa khi sắp đến mùa thu hoạch quả nhưng cây cà phê lại bị triệu chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết cả cây
Đến làm việc tại Hội Nông dân xã Nam Yang, được ông Nguyễn Công Bình-Chủ tịch Hội thừa nhận: Chuyện này là hoàn toàn có thật, nguyên nhân là tại ấu trùng của con ve sầu. Loại côn trùng nguy hại này đang tàn phá rất mạnh khiến nông dân ở đây hết sức lo lắng.
Theo Hội Nông dân xã nắm được qua đợt khảo sát gần đây thì cả xã Nam Yang có khoảng 20% trong tổng số gần 1.300 ha cây cà phê bị ve sầu cắn phá. Cơ quan chức năng của huyện Đak Đoa đã về tìm hiểu, kết quả ban đầu cho thấy, tại mỗi gốc cây cà phê có đến hàng chục cá thể ấu trùng ve sầu.
Ông Bình đã dẫn chúng tôi đến thực địa tại 2 ha cà phê bị ảnh hưởng nặng bởi nạn ve sầu ở xã Nam Yang. Đó là vườn của ông Nguyễn Văn Hải (tại thôn 5) đang ở trong thời kỳ cho trái nhưng do ve sầu phá nên có thể mất đến 80% năng suất.
Bước sang vườn cà phê cạnh đấy của ông Nguyễn Văn Thanh, ở từng gốc cà phê khi đào lên có rất nhiều ấu trùng ve sầu. Anh Thanh cho biết, cứ mỗi gốc cà phê có triệu chứng vàng lá, rụng quả trong vườn có không dưới trăm ấu trùng ve sầu.
Cũng theo anh Thanh, hơn 10 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên vườn nhà anh bị nạn này nhưng vẫn chưa rõ đâu là nguyên nhân. Năm nay gia đình anh ước sẽ tổn thất trên 2 tấn cà phê nhân.
Đây vẫn chưa phải là tổn thất đáng ngại mà nó còn di chứng những năm sau, bởi vì bộ rễ cây cà phê bị ve sầu làm tổn thương khiến nhiều loại bệnh dễ xâm nhập cây, rất khó hồi phục lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bình cho biết, chuyện cây cà phê bị nạn ve sầu phá hoại, tại xã này đã có từ mấy năm nay tuy nhiên năng suất bị ảnh hưởng không đáng kể. Năm nay có thể nói nó đã nâng lên thành dịch. Một số nông dân đã mua chế phẩm sinh học, phối hợp với vôi để diệt thử nhưng không thấy hiệu quả. Chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan bảo vệ thực vật của huyện để sớm tìm được biện pháp giúp nông dân.
Lý giải về hiện tượng ve sầu phát triển đột biến tại một số xã của huyện Đak Đoa, một nông dân có thâm niên trồng cà phê trên 20 năm cho hay, ve sầu thường thích đậu trên những cây cao, có tán lớn. Thông thường trong các vườn cà phê, nông dân ta thường trồng nhiều cây để chắn gió, đây là nơi ở ưa thích của ve sầu. Trong vườn cà phê thường có rất nhiều kiến, mà món khoái khẩu của loài này chính là trứng ve sầu. Tuy nhiên đây cũng là loài gây khó chịu cho nông dân trong việc thu hoạch quả cà phê, do đó nhiều người đã phun thuốc diệt tận gốc loài này. Ve sầu mất thiên địch nên phát triển rầm rộ. Theo ông, để thuận tiện cho việc thu hoạch nông sản cũng nên diệt bớt kiến, tuy nhiên không nên tận diệt loài này.
Giá cà phê

                                                                                     NGƯỜI SƯU TẦM
                                                                                         THỊ LINH